Dong Tien Lam Nghiep

Keo lai là kết quả lai giữa cây bố mẹ là Keo lá tràm và Keo tai tượng. Cây ưa sáng, mọc nhanh, có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn, cải tạo môi trường sinh thái. Là cây gỗ đa mục đích, cao 25 – 30 m, đường kính 60 – 80 cm.

Luống giâm Keo lai tại công ty Đồng Tiến

Tên Việt Nam: KEO LAI

Tên khoa học: Acacia hybrid

Họ: Fabaceae

I. Đặc điểm hình thái

- Keo lai là kết quả lai giữa cây bố mẹ là Keo lá tràm và Keo tai tượng. Cây ưa sáng, mọc nhanh, có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn, cải tạo môi trường sinh thái.

- Là cây gỗ đa mục đích, cao 25 – 30 m, đường kính 60 – 80 cm. Thân thẳng, tròn đều, tán phát triển cân đối, vỏ ngoài màu xám, cành non vuông màu xanh lục.

- Lá có 3 – 4 gân mặt chính, lá hình mác, có chiều dài và rộng nhỏ hơn lá keo tai tượng và lớn hơn lá keo lá tràm.

- Hoa lưỡng tính mọc cụm, màu trắng hơi vàng, mọc ở nách lá.

II. Giá trị kinh tế

- Cây gỗ trung bình, gỗ thẳng, màu vàng trắng có vân, có giác lõi phân biệt, mềm xốp hơn gỗ Keo lá tràm nhưng chắc hơn gỗ Keo tai tượng, dùng xẻ ván, làm nhà, đóng đồ gia dụng, làm nguyên liệu giấy.

III. Kỹ thuật nhân giống keo lai bằng giâm hom

1.      Xây dựng vườn giống lấy hom

 Vườn giống lấy hom keo lai được trồng trên đất gần vườn ươm hoặc gần khu nhân giống tạo cây con bằng hom để thuận tiện cho quá trình sản xuất cây hom. Cây trồng vườn hom là cây nuôi cây mô ở đời lai F1. Đất xây dựng vườn giống lấy hom có thành phần cơ giới nhẹ, tầng đất dầy và thoát nước tốt. Cây trồng theo cự ly cây cách cây x hàng cách hàng 0,5 x 0,5m. Trước khi trồng bón lót mỗi hố 2 kg phân chuồng hoai và 100 g NPK hoặc 300 g phân lân hữu cơ vi sinh. Cây giống sau 1 - 2 năm cắt hom phải tiến hành phá bỏ và xây dựng lại vườn cây giống lấy hom mới.

2.      Cắt tạo chồi cho cây giống

 Dùng kéo sắc cắt ngang cây ở độ cao cách mặt đất 30 cm để tạo chồi lần đầu cho cây giống. Lúc cắt tạo chồi lần đầu cho cây giống nên kết hợp với việc lấy hom giâm để tận dụng hom. Mùa cắt tạo chồi lần đầu thích hợp là cuối mùa khô đầu mùa mưa.
Sau đó, hàng năm cuối mùa sinh trưởng phải đốn tạo chồi và làm trẻ hóa cây giống. Sau khi cắt đốn tiến hành xới đất quanh gốc cây, làm cỏ, bón thúc mỗi cây 50g NPK hay 100g phân lân hữu cơ vi sinh.

3.      Xây dựng khu giâm hom

 Khu giâm hom gồm có nền luống và bầu đất.Nền luống giâm hom được làm bằng nên đất hoặc nền xi măng, bề rộng của luống 1,2 – 1,4m, chiều dài luống tùy theo diện tích thiết kế của vườn, giữa hai luống có chừa lối đi rộng 0,4m. Nên luống cao hơn lối đi từ 7 – 10cm để thuận tiện cho việc thoát nước. Hệ thống phun sương tự động được lăp giữa các luống hoặc hai bên luống.

Bầu đất dùng túi bầu nilong có kích thước 7 x 12 cm đựng hỗn hợp ruột bầu; thành phần ruột bầu gồm 80% đất tầng AB + 20% phân hữu cơ đã hoai (phân chuồng, phân xanh, phân rác). Đất làm ruột bầu được đập sàn nhỏ trộn đều với phân và tiến hành đóng bầu. .

4. Kỹ thuật cắt cành và giâm hom

Dùng kéo sắc để cắt cành từ vườn giống lấy hom. Việc cắt cành phải tiến hành vào buổi sáng. Cành đã cắt phải được bảo quản nơi râm mát hoặc ngâm gốc cành vào nước.
Tùy mức độ phát triển của cành mà quyết định thời gian cắt đợt tiếp theo. Cắt cành đầu vụ thì sau đó 1 - 1,5 tháng có thể cách 10 - 15 ngày cắt một lần.

Chiều dài cành hom 10 - 15cm, mỗi hom có từ 1-2 lá và phải cắt bớt 2/3 diện tích phiến lá. Phần gốc hom cắt hơi vát. Hom đã cắt được ngâm ngay vào dung dịch Benlát nồng độ 0,15% trong 1 tiếng, sau đó vớt ra cấy ngay vào luống giâm hoặc giữ hom có phủ khăn ẩm để không bị khô. Hom được cấy trực tiếp vào bầu đất đã đóng sẵn trên luống.
      5. Mùa giâm hom

 Mùa giâm hom phụ thuộc vào mùa trồng rừng của từng vùng. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là giâm hom phải được thực hiện trước khi trồng rừng 3 tháng, nếu giâm hom trước quá lâu thì phải có biện pháp hãm cây.

6. Chăm sóc hom giâm và cây hom

 Tưới ẩm cho cành hom giâm bằng hệ thống tưới phun sương tự động. Gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu giâm hom, thời gian giữa hai lần phun cách nhau 2-3 phút mỗi lần phun từ 5 - 7 giây. Giai đoạn hai, hom bắt đầu có rễ và có lá mới, thời gian giữa hai lần phun cách nhau 3- 4 phút, mỗi lần phun từ 5 - 7 giây. Giai đoạn ba, khi cây hom đã ra nhiều rễ, khoảng cách giữa 2 lần phun giảm dần. Sau khi giâm hom 1,5 - 2 tháng thì tiến hành đảo bầu và lựa cây, xếp cây có chiều cao tương đồng theo cùng khu vực.

7. Phòng trừ sâu bệnh

    Cây con ở giai đoạn vườn ươm phải được thường xuyên chăm sóc, làm sạch cỏ để tránh sâu, bệnh gây hại. Khi phát hiện nấm bệnh thì tưới dung dịch boocđo 1% hay COC 85 liều lượng 25 gram/1 - 2 bình 8 lít, phun sương đều trên mặt lá với liều lượng phun 1 lít/4m2, 10 – 15 ngày phun 1 lần, liên tục 2 – 3 lần liền. Nếu sâu ăn lá hoặc một số côn trùng khác có thể dùng Bassa 50ND pha 1/400 – 1/600 hoặc dùng Methyl parathion 0,1% để phun. Nên phun thuốc vào buổi chiều. Sau khi phun thuốc 2 – 3 tiếng thì tưới lại bằng nước sạch.

 

 

 

Chia sẻ:
  • Digg
  • StumbleUpon
  • del.icio.us
  • Facebook
  • Yahoo! Buzz
  • Google Bookmarks
  • Add to favorites
  • LinkedIn
  • Technorati
  • Google Buzz
  • Netvibes
  • Twitter
  • In
  • Giới thiệu cho bạn bè
  • Trở về

 


Các bài viết liên quan